Quy định mới về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (Nghị định số 34/2024/NĐ-CP)

Tháng Bảy252024
vantaihanam

Quy định mới về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (Nghị định số 34/2024/NĐ-CP)

Ngày 31 tháng 3 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2024/NĐ-CP (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 và thay thế Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020) quy định chi tiết tại danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa.

9 Nhóm hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm
9 Nhóm hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm

1. Định nghĩa:

Hàng hoá nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

2. Phân loại hàng hoá nguy hiểm:

a) Tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:

– Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ;

Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.

Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.

Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.

Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.

Nhóm 1.5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.

Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.

– Loại 2. Khí;

Nhóm 2.1: Khí dễ cháy.

Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại.

Nhóm 2.3: Khí độc hại.

– Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy;

– Loại 4;

Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.

Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.

Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

– Loại 5;

Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa.

Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.

– Loại 6;

Nhóm 6.1: Chất độc.

Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.

– Loại 7: Chất phóng xạ;

– Loại 8: Chất ăn mòn;

– Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

b) Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.

Phân loại hàng hoá nguy hiểm.

3. Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:

a) Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

– Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

– Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

b) Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

– Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

– Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện đảm bảo dễ quan sát, nhận biết.

– Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

c) Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi

– Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.

– Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.

– Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.

– Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

d) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà

– Không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.

– Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

4. Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa:

a) Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

– Thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt về vận tải hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

– Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và tại cảng, bến thủy nội địa phải được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

b) Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

– Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

– Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên của phương tiện.

– Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, thuyền viên hoặc người lái phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

c) Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi

Người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện theo quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện thủy nội địa và các quy định sau:

– Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát; thuyền trưởng quyết định sơ đồ xếp hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và việc chèn lót, chằng buộc phù hợp tính chất của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một khoang hoặc một hầm hàng của phương tiện.

– Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.

– Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực cầu cảng, bến, kho riêng biệt.

– Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

* Việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, trừ các trường hợp sau đây được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình vận chuyển:

– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;

– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;

– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít;

– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam;

– Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

5. Trách nhiệm của người vận tải:

– Bố trí phương tiện vận chuyển phù hợp với loại hàng hóa nguy hiểm cần vận chuyển.

– Kiểm tra hàng hóa bảo đảm an toàn trước khi thực hiện vận chuyển theo quy định.

– Chấp hành đầy đủ thông báo của người thuê vận tải và những quy định ghi trong Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

– Thực hiện niêm yết biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm loại hàng hóa nguy hiểm đang vận chuyển theo quy định.

– Phải làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng đó.

– Chấp hành các quy định ghi trong Giấy phép và chỉ được tổ chức vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép, có biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm.

– Chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi hàng hóa có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp lệ, đóng gói bảo đảm an toàn trong vận chuyển.

– Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc rắn khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng có chiều dài dưới 100m hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

– Phải có phương án ứng cứu sự cố tràn dầu khi vận tải xăng, dầu trên đường thủy nội địa.

– Tổ chức huấn luyện hoặc thuê đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm đối với người điều khiển phương tiện theo quy định.

6. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người áp tải:

– Chấp hành các quy định ghi trong Giấy phép và chỉ được tổ chức vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi: Có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép; trên phương, bao bì, thùng chứa có đầy đủ biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm.

– Thực hiện chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm và chỉ dẫn của người vận tải hàng hóa nguy hiểm.

– Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc đặc khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

– Người điều khiển phương tiện phải mang theo hồ sơ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do người thuê vận tải cung cấp, Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép, Giấy chứng nhận đã hoàn thành huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm phù hợp với loại, nhóm hàng nguy hiểm đang vận chuyển, chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng đối với thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa) và các loại giấy khác theo quy định của pháp luật; bảo quản hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển khi không có người áp tải hàng hóa.

– Thực hiện các biện pháp loại trừ hoặc hạn chế khả năng gây hại của hàng hóa nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương cấp xã nơi gần nhất và các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời khi phát hiện hàng hóa nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển. Trường hợp vượt quá khả năng, phải báo ngay cho người vận tải và người thuê vận tải để cùng phối hợp giải quyết kịp thời.

– Thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm phân công thuyền viên thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện.

– Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc rắn khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng có chiều dài dưới 100m hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

– Người áp tải phải mang theo Giấy chứng nhận đã hoàn thành huấn luyện hàng hóa nguy hiểm phù hợp với loại, nhóm hàng nguy hiểm đang vận chuyển.

* Các nội dung khác có liên quan như: Danh mục hàng hóa nguy hiểm; Bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm; Nhãn hàng, biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm; Huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm; Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm… được quy định chi tiết tại Nghị định số 34/2024/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa; Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 và thay thế Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Nguồn: Nghị định số 34/2024/NĐ-CP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *